Đây là một trong những biện pháp an toàn mà hãng gọi xe Grab đang áp dụng ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sở Giao Thông Vận Tải TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Công văn số 3752/TB-SGTVT ngày 27/03/2020 đối với tổ chức hoạt động vận tải, trong đó có xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ. Theo Điều 6, kể từ 0h ngày 28/03/2020 đến hết ngày 15/04/2020, hành khách khi sử dụng và di chuyển trên xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi bắt buộc phải đeo khẩu trang và khai báo y tế. Trong trường hợp hành khách không chấp hành quy định, tài xết Grab hoàn toàn có quyền đơn phương huỷ bỏ chuyến xe.

Tài xế Grab có quyền huỷ chuyến xe nếu như hành khách không đeo khẩu trang. (Ảnh: Nikkei)

Cũng theo Công văn nói trên, đối với hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, xe trung chuyển, TP HCM yêu cầu tất cả các chuyến xe vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 người/chuyến, riêng xe trung chuyển và xe 16 chỗ vận chuyển tối đa không quá 8 người/chuyến. Bên cạnh đó, hành khách cũng buộc phải thực hiện đeo khẩu trang.

Tính tới thời điểm tối ngày 29/3, Việt Nam đã có tổng cộng 188 trường hợp dương tính với chủng mới của virus corona. Trước diễn biến dịch phức tạp, nhiều biện pháp quyết liệt đã được thực hiện tại Việt Nam nhằm kiềm chế sự lây lan của bệnh dịch, ví dụ như hạn chế tụ tập đông người, tạm dừng các cơ sở kinh doanh không thiết yếu hay bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Hãng gọi xe Didi Chuxing ở Trung Quốc lắp một tấm nhựa ngăn cách tài xế và hành khách trong xe. (Ảnh: Handout)

Còn nhớ, khi Covid-19 hoành hành ở Trung Quốc hồi trung tuần tháng 2, Didi Chuxing, dịch vụ gọi xe lớn nhất tại quốc gia tỉ dân, đã thực hiện một chương trình áp dụng trên cả nước trong đó yêu cầu tài xết lắp đặt một tấm nhựa ngăn cách giữa hành khách và tài xế trong xe. Didi đã đầu tư tới 14,3 triệu USD đối với biện pháp bảo vệ an toàn này.

Vũ Tuấn Anh | SAOstar