COVID-19 trước đó được cảnh báo sẽ là một yếu tố làm chậm lại dòng vốn chảy vào các startup Đông Nam Á.

Startup công nghệ tài chính (fintech) Finhay mới đây đã gọi thành công số vốn 7 chữ số (USD) từ Jeffrey Cruttenden, người sáng lập của ứng dụng tiết kiệm nổi tiếng tại Mỹ Acorns, công ty chứng khoán Thiên Việt và một số nhà đầu tư khác. Thông tin sâu hơn về thương vụ đầu tư này không được công bố.

(Ảnh: Kr-ASIA)

Được sáng lập vào năm 2017, Finhay là một nền tảng quản lí tài sản cho phép người dùng thực hiện các khoản đầu tư vi mô tại Việt Nam với số tiền tối thiểu chỉ từ 50.000 đồng. Trước đó, Finhay từng nhận được đầu tư tổng cộng 1,1 triệu USD, chủ yếu từ quỹ H2 Ventures (Úc) và Insignia Ventures Partners (Singapore). Finhay đang là một trong số những startup fintech nhận được nhiều đầu tư nhất tại Việt Nam.

“Trong lĩnh vực quản lý tài sản tại Việt Nam, chúng tôi mới chỉ chạm đến bề mặt của tiềm năng,” ông Nghiêm Xuân Huy, người sáng lập và CEO Finhay, chia sẻ. “Với sự hỗ trợ về tài chính, kinh nghiệm và kĩ năng chuyên môn của các nhà đầu tư mới, chúng tôi có thể chớp lấy cơ hội này và thúc đẩy tăng trưởng.”

Finhay nói rằng số tiền đầu tư sẽ được đầu tư vào mở rộng độ phủ trên thị trường, tối ưu hạ tầng công nghệ thông tin và đẩy mạnh tuyển dụng đáp ứng tăng trưởng.

“Giải pháp công nghệ và hiện đại Finhay đang có sẽ cách mạng hoá mảng dịch vụ quản lí tài sản cho người trẻ,” ông Jeffrey Cruttenden chia sẻ. “Với nhu cầu dịch vụ fintech tại Việt Nam, lợi thế cạnh tranh của Finhay là cam kết cho mục tiêu phổ cập dịch vụ tài chính và định hướng giáo dục tài chính cho giới trẻ.”

Khi hầu hết người Việt Nam tập trung vào các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản để tích luỹ tài sản, nhu cầu cho các dịch vụ tài chính sáng tạo hơn ở Việt Nam vẫn cực kì tiềm năng, Kr-ASIA đánh giá. Các nền tảng dịch vụ tương tự trong khu vực như StashAway năm ngoái cũng nhận được khoản đầu tư tới 12 triệu USD trong vòng Series B. Dù vậy, Smartly, một startup từng dược VinaCapital Ventures (Việt Nam) thâu tóm hồi tháng 7 năm ngoái, đã đóng cửa vào tháng trước. Lý do Smartly đưa ra là cạnh tranh quá khốc liệt ở mảng tư vấn tài chính số.

Lê Nam Khánh | SAOstar