Những diễn biến của dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập và giáo viên tại đây.
Nếu như nhiều ngành nghề khác đến cuối tháng 3 mới bắt đầu phải đóng cửa thì các trường học đã rục rịch ngừng hoạt động từ đầu tháng 2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này đã khiến không ít người đứng đầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, các cô giáo cũng lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mất nguồn thu nhập.
Chủ trường loay hoay vay mượn khắp nơi để chi trả đủ loại chi phíCô Ngô Thanh Huyền, hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt (Hà Nội) đang chật vật vay mượn khắp nơi để chuẩn bị trả tiền thuê mặt bằng quý 2 vào ngày 7/4 tới, tổng số tiền phải trả là 66 triệu đồng.
"Bây giờ mình không biết phải kiếm đâu ra 66 triệu nữa. Hồi tháng 2 còn đi vay được, bây giờ ai cũng khó khăn nên không có chỗ vay. Cái gì bán được mình đã bán hết rồi, căng nhất là tiền mặt bằng phải đóng vào ngày 7/4 này, nếu không đúng hạn họ đòi lại mặt bằng thì coi như mình mất hết " - cô Huyền thở dài.
Hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt đang không biết xoay sở tiền mặt bằng quý 2 ra sao.
Cô Huyền cho rằng ngành giáo dục bị ảnh hưởng đầu tiên bởi dịch bệnh vì phải bắt buộc đóng cửa từ đầu tháng 2. Nói về nguyện vọng của mình, cô Huyền chỉ mong được chính phủ ra tay giúp đỡ. Cô cũng đưa ra thắc mắc khi thấy chính phủ có gói an sinh xã hội nhưng không biết cơ sở giáo dục ngoài công lập có được coi là doanh nghiệp hay không?
Một câu chuyện buồn khác là trường hợp của cô P.T.H., ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Không giống như cô Huyền, ngôi trường của cô H. còn chưa đi vào hoạt động nhưng đã phải giải thể sau khi đã cố gắng xoay sở để chi trả các khoản phí, cầm cự đợi hết dịch để đón học sinh mà ngày đó lại không đến.
"Mình bắt đầu việc mở trường mầm non từ tháng 11/2019. Trước Tết Nguyên đán mình đã đi làm các thủ tục hồ sơ pháp lý, song song với đó là thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng như: giường, tủ, bàn ghết, đồ chơi, bếp... Và kết nối với hai giáo viên, một người nấu ăn. Dự định qua Tết xin được giấy phép là trường sẽ bắt đầu đi vào hoạt động " - cô H. kể về dự định mở trường mầm non của mình.
Cô H. thanh lý toàn bộ trang thiết bị mới mua chưa dùng đến ngày nào, tạm từ bỏ dự định mở trường mầm non tư thục.
Tuy nhiên sau Tết cũng là lúc học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh. Cô H. không thể mở trường đúng kế hoạch mà vẫn phải trả chi phí thuê nhà mỗi tháng 15 triệu đồng. Đến nay đã là 5 tháng, cô H. không trụ nổi đành phải trả nhà, thanh lý toàn bộ đồ đạc vừa sắm còn mới nguyên chưa kịp dùng.
Trường học vừa mở chưa kịp đón học sinh đã bị đóng cửa.
Được biết ngoài chi phí thuê nhà, tiền cọc, cô H. còn phải sửa sang, cộng thêm tiền mua trang thiết bị, tổng cộng đầu tư gần 200 triệu đồng mà giờ "đổ hết xuống sông, xuống biển".
Khi được hỏi về dự định có tiếp tục theo đuổi việc mở trường sau khi hết dịch nữa hay không? Cô H. bày tỏ vẫn muốn thực hiện mong muốn này nhưng sau dịch thì chưa đủ điều kiện mà phải đợi vài năm nữa để tích góp vốn.
Cô giáo nghỉ dạy, người về quê làm ruộng, người tập tành bán hàng onlineKhông chỉ chủ trường khổ, các cô giáo cũng chẳng kém phần lao đao. Cô H.H., giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội cho hay, từ khi nghỉ dạy cô cũng không được hưởng khoản trợ cấp nào. Chính vì thế mà vấn đề kinh tế của gia đình cô gặp không ít khó khăn.
"Không đi làm thì không có thu nhập, mặc dù dịch bệnh mình nghỉ dạy về quê nhưng vẫn phải trả tiền thuê phòng trọ ở Hà Nội và nhiều khoản chi tiêu khác. Gia đình còn có một cháu nhỏ, cũng may là ông xã vẫn đi làm được nên còn có đồng ra đồng vào " - cô H. nói.
Để san sẻ bớt gánh nặng cho chồng, chị H. bắt đầu tập tành bán hàng online, tuy nhiên, vì mới bán nên mọi thứ cũng chưa đâu vào đâu, cần có thêm thời gian để thích nghi.
Một cô giáo nghỉ dạy chuyển sang bán bánh bao online.
Gặp khó khăn tương tự là cô Nguyễn Oanh, giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội. Ngôi trường nơi cô Oanh dạy cũng hứa hỗ trợ cho giáo viên mỗi tháng 2 triệu đồng. Thế nhưng hiện tại chủ trường xin trả sau vì còn đang lo trả tiền mặt bằng.
Từ ngày nghỉ dạy thì cô Oanh về quê giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng, cấy lúa, nuôi gà, chăn vịt...
"Gia đình mình cũng khó khăn, bố mẹ đã già còn em thì đang đi học, bây giờ mình không đi làm lại thêm gánh nặng cho bố mẹ. Dù về quê nhưng hàng tháng mình vẫn phải đóng tiền nhà trọ. Những lúc trời không mưa thì còn có thể đi làm phụ hồ nhưng cả tuần nay mưa gió thế này, mình chẳng đi đâu được, chỉ ở nhà giúp gia đình những công việc như vậy thôi " - cô Oanh chia sẻ về cuộc sống hiện tại.
Nói về mong muốn của mình, cô Oanh mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để cô và nhiều đồng nghiệp khác có thể quay lại làm việc. Bên cạnh đó, cô giáo trẻ cũng mong nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như mình để có thể trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn.
0 Nhận xét